Surface Pro 9 có 2 phiên bản gồm Pro 9 chạy Intel và Pro 9 5G chạy Microsoft SQ3 ARM. Cấu hình được nâng cấp, thêm màu mới và nhiều tính năng, nhưng liệu đây có phải chiếc máy có thể dùng chỉnh sửa video 4K chuyên nghiệp.
1. Cấu hình
Surface Pro 9 và Pro 9 5G vẫn có thiết kế tương tự Pro 8. Pro 9 và Pro 9 5G đều có kích thước 287 x 209 x 9,3 mm.
Surface Pro 9 được trang bị màn hình 13″ PixelSense Flow với độ phân giải 2880 x 1920 px, tỉ lệ 3:2 và tốc độ làm tươi tối đa 120 Hz, hỗ trợ biến thiên tần số quét để tối ưu về thời lượng pin. Điểm mới là hỗ trợ Dolby Vision IQ để mang lại trải nghiệm HDR tốt hơn và tính năng tự động quản lý chế độ màu sắc. Trang bị camera trước và sau tương tự Surface Pro 8 với camera trước 5 MP, camera sau 10 MP.
Cấu hình của Surface Pro 9 được nâng cấp với vi xử lý Intel thế hệ 12 gồm:
Core i5-1235U – 10 nhân 12 luồng, 2 nhân P tối đa 4,4 GHz + 8 nhân E tối đa 3,3 GHz, 12 MB cache, 15 W + Iris Xe Graphics 80 EU
Core i7-1255U – 10 nhân 12 luồng, 2 nhân P tối đa 4,7 GHz + 8 nhân E tối đa 3,5 GHz, 12 MB cache, 15 W + Iris Xe Graphics 96 EU
Surface Pro 9 5G được trang bị vi xử lý Microsoft SQ3 – thế hệ thứ 3 của dòng vi xử lý dùng kiến trúc ARM được Microsoft hợp tác cùng Qualcomm phát triển. Trước đó các thế hệ Pro X được trang bị lần lượt là SQ1 và SQ2. SQ3 dựa trên Snapdragon 8cx Gen 3 với 4 nhân ARM Cortex-X1 và 4 nhân ARM Cortex-A78, xung nhịp của SQ3 sẽ khác so với phiên bản gốc của Qualcomm. Phần còn lại, SQ3 cũng có nhân nhân đồ họa Adreno 690 và modem 5G Snapdragon X62.
RAM gồm 3 tùy chọn 8 GB, 16 GB hoặc 32 GB LPDDR5, SSD từ 128 GB đến 1 TB và vẫn có thể nâng cấp được.
2. Thử nghiệm chỉnh sửa video 4K
Chỉnh sửa video được dùng trên phần mềm Adobe Premiere 2021 và không sử dụng bộ sạc trong quá trình thử nghiệm, duy trì hiệu năng ở mức cao nhất để người dùng có thể thấy rõ ràng về khả năng của Surface Pro 9.
Trong giai đoạn đầu khi import video vào project, play video ở độ phân giải 1/4, 1/2, và chế độ full thì không có vấn đề gì. Máy chạy mượt mà, hoàn toàn có thể play video ở FPS là 60 FPS. GPU ở mức 50%, CPU 24%, RAM chiếm 71% và video vẫn chạy hoàn toàn bình thường.
Sau khi sử dụng thêm các hiệu ứng, chỉnh màu video ở giai đoạn sau thì Surface Pro 9 khi play video bị chậm lại đôi chút so với giai đoạn trước. Với độ phân giải 1/2 video đã có thể chạy ở mức FPS 60, và ở chế độ 1/4 thì hình ảnh bị mờ đi rõ ràng.
Với độ phân giải 4K thì khung hình video không còn được đảm bảo và chậm lại rõ ràng, phải đến khi chuyển về độ phân giải 1/4 thì video mới có thể chạy được bình thường.
Ở giai đoạn sau, khi render video với thời lượng khoảng 5p thì Surface Pro 9 mất khoảng 12p để render toàn bộ video. Trong quá trình này, các vùng xung quanh máy có tỏa nhiệt ở vùng kim loại và vùng giữa màn hình. Tuy nhiên CPU lại không chạy quá nhiều, chủ yếu chỉ ở GPU luôn chạy với mức 95 – 98%. Phần quạt cũng kêu khá to trong quá trình render video
3. Tổng kết
Surface Pro 9 là chiếc máy được tập trung vào tính di động và tiện dụng. Thích hợp cho nhân viên văn phòng, cần di chuyển nhiều. Tuy có thể sử dụng để edit video cơ bản nhưng trong quá trình sử dụng edit video sẽ làm tốc độ của máy chậm lại. Máy thích hợp cho các video nhẹ nhàng như video tiktok ngắn, youtube ngắn không quá cầu kỳ. Còn đối với những bạn cần sử dụng edit video chuyên nghiệp hơn thì đây chưa phải sự lựa chọn hoàn hảo nhất.